Friday, December 21, 2007

Phương pháp sáng tạo ý tưởng (2)


(Danong.com) Ở phần trước, chúng ta đã đề cập đến 5 giai đoạn cần thiết giúp hình thành một ý tưởng, gồm: Nghiền ngẫm, Huấn luyện trí tuệ, Phối hợp các phần tử cũ, Dùng trí tuệ để tiêu hóa và Bật ra ý tưởng sau quá trình hun đúc.

Ở phần này, chúng tôi muốn giúp các bạn tìm hiểu sâu hơn về phương pháp tạo ra một ý tưởng mới hay cụ thể hơn sẽ là một ý tưởng kinh doanh mới.

Câu chuyện hẹp

Một Tổng Giám đốc bước vào phòng họp giao ban đầu tuần và hỏi Giám đốc Kinh doanh của Công ty: “Hôm nay có gì mới không?”.

Câu trả lời rằng: “Thưa không”.

Câu hỏi được lập lại thêm 2 lần nữa với Giám đốc nọ ở hai cuộc họp các tuần sau và nó đều có cùng một câu trả lời: “Thưa không”. Anh ta không có dịp nghe vị Tổng Giám đốc hỏi lần thứ tư, vì anh ta đã mất ghế.

Câu chuyện rộng

Hai người bạn cùng ngồi bàn bạc xem nên kinh doanh gì để kiếm tiền. Họ hầu như có gần đủ 5 yếu tố để khởi nghiệp kinh doanh, gồm:

1. Ý chí lập nghiệp, quyết tâm kinh doanh.

3. Dự kiến được bộ khung nhân sự giúp việc.

4. Vốn đầu tư.

5. Mối quan hệ để từ đó tạo nguồn khách hàng.

Bạn có thấy lạ trong cách liệt kê 5 yếu tố vừa nêu trên không?

Nó thiếu mất yếu tố số 2, rất quan trọng đối với một người bước ra kinh doanh.

Về lý thuyết, người ta gọi đó là “nội lực”. Trên thực tế, tôi gọi đó là “Ý tưởng kinh doanh” và khả năng hiện có của bạn.

Ý tưởng kinh doanh đóng vai trò quan trọng như việc bạn có động cơ mạnh, bền bĩ (yếu tố 1), có bộ khung chiếc xe cứng cáp, chịu lực tốt (yếu tố 3), có đầy đủ xăng cho cuộc hành trình (yếu tố 4), có những người bạn đường tâm đắc để cho câu chuyện giúp rút ngắn quảng đường đi của bạn (yếu tố 5), nhưng khi nhìn lại, bạn không thấy có 4 cái bánh xe. Xe không có bánh làm sao chạy? Kinh doanh mà không có ý tưởng thì biết kinh doanh cái gì?

Việc tạo ra một ý tưởng kinh doanh quan trọng không thua điều kiện cần có ý chí kinh doanh sắt đá, vì vậy nó được xếp vào vị trí số 2.

Bạn đã biết được cách thức để nấu một bửa ăn ngon, hoặc chế tạo một chiếc xe tốt, nhưng còn nguyên liệu, thực phẩm chế biến là gì? Lấy ở đâu ra?

Đó là lý do tôi mời các bạn đến với lớp học để cùng tìm cách mua “nguyên liệu, thực phẩm” để cùng nhau “chế biến” ra ý tưởng.

- Khả năng quan sát – Hấp thu sự vật xung quanh dùng nó làm cơ sỡ dữ liệu cho mình trong việc sáng tạo ý tưởng sau này. Tức hãy tìm cỏ cho con bò, tìm bánh cho chiếc xe, tìm thực phẩm để chế biến bửa ăn.

- Khả năng điều chỉnh những khó khăn cần giải quyết trong cuộc sống, phát hiện nhu cầu có thực của con người, cộng đồng, xã hội.

Tất cả những ý tưởng được tạo ra từ những người biết phát hiện ra những nhu cầu của con người và tìm cách đáp ứng nó.

- Khả năng ghi chép, ghi nhận sự việc ở bất cứ nơi đâu, bất kỳ lúc nào. Chúng ta hãy đề cập đến câu chuyện quyển sổ tay và cây bút chì trên đầu giường, trong túi áo.

Một ý tưởng lóe lên trong đầu của bạn, nếu không kịp ghi lại, không kịp lưu trử, nó sẽ tan biến ngay sau đó. Đây là kinh nghiệm sống còn của người làm nghề ý tưởng.

- Đừng ép não phải “nặn” ra ý tưởng, mà tìm cách thả lỏng cơ thể, thả lỏng đầu óc trước khi đưa ra giải pháp mang tính sáng tạo. Tình trạng rối trí sẽ diễn ra ở giai đoạn cuối của suy nghĩ, ngay trước thềm của ý tưởng mới sẽ ra đời và bạn cần ngưng ngay mọi việc, thay đổi công việc đang làm và tìm cách gạt bỏ mọi thứ đang làm. Nhắc câu chuyện nhà thám tử kỳ tài Sherlock Holmes, mà nhà văn Conan Doyle mô tả khi lôi người phụ tá Watson ra khỏi suy nghĩ và rủ đi xem hòa nhạc. Cách này rất hiệu nghiệm trong quá trình tiêu hóa, lựa chọn ý tưởng độc đáo trong não của bạn.

Bài tập rèn luyện: Bạn hãy liệt kê một loạt các nhu cầu cần có cho con người, mà theo bạn chưa ai phát hiện ra?

Phương pháp sáng tạo ý tưởng

Chúng ta sẽ kết hợp những kinh nghiệm thực tế với kiến thức uyên thâm của James Webb Young để tìm ra “Phương pháp sáng tạo ý tưởng”.

Việc sáng tạo ý tưởng theo tôi bao gồm các “công đoạn” sau:

- Nghiền ngẫm vấn đề thông qua việc quan sát những nhu cầu từ cuộc sống. Vận dụng kinh nghiệm thực tế.

- Huấn luyện trí tuệ: Tìm ra các nguyên tắc và kế đến là tìm ra phương pháp.

- Phối hợp các phần tử cũ:

Cơ sỡ để sản xuất ý tưởng dựa trên 02 nguyên tắc là:

* Phối hợp các phần tử cũ để tạo nên một tổ hợp mới.

* Nguyên tắc thứ hai liên quan đến năng lực của người tạo ra ý tưởng. Vì nó tùy thuộc vào khả năng nhìn thấy được mối quan hệ giữa phần tử cũ và tổ hợp mới. Đó là sự khác biệt giữa các ý tưởng gia.

- Dùng trí tuệ để tiêu hóa: Thu thập các nguyên vật liệu dùng sản xuất ý tưởng, bao gồm các nguyên liệu cụ thể và nguyên liệu tổng quát (có ví dụ); Phân loại theo chủ đề các nguyên liệu “nhặt” được; Quá trình nghiền các nguyên liệu theo từng chủ đề nào cần quan tâm, giống như bạn đang nhai thức ăn để chuẩn bị tiêu hóa; Ghi ra giấy các ý tưởng nhỏ bắt đầu nhen nhóm, dù các ý tưởng đó chưa thật sự hấp dẫn bạn; Quá trình rối trí diễn ra và bạn cần ngưng ngay mọi việc, thay đổi công việc đang làm và tìm cách gạt bỏ mọi thứ đang làm (lấy thí dụ các suy nghĩ của Sherlock Holmes, mà nhà văn Conan Doyle mô tả khi lôi Watson ra khỏi suy nghĩ và rủ đi xem hòa nhạc). Cách này rất hiệu nghiệm trong quá trình tiêu hóa, lựa chọn ý tưởng độc đáo trong não của bạn.

- Cuối cùng là bật ra ý tưởng sau quá trình hun đúc, có thể ngay trong suy nghĩ đầu tiên của bạn khi quay lại vấn đề, hoặc trong một trường hợp nào đó khá ngẫu nhiên. Người làm ý tưởng giỏi là kiểm soát được quá trình này đi đúng hướng, đúng mục tiêu và thời gian.